Người Việt-Vui buồn nghề Nail

Người Việt và nghề nail: Người Viêt gọi người làm trong tiệm làm móng tay là thợ nail hay thợ làm móng; người Mỹ gọi là nail technician hay manicurist. Thợ nam thường chỉ chuyên làm móng giả (còn gọi là móng bột), thợ nữ cũng làm móng giả và kiêm luôn những công việc khác. Khoảng 10 đến 20 năm trước có nhiều trí thức người Việt tự nguyện nhảy vào nghề để làm giàu. Cũng có nhiều trí thức vào nghề vì bị thất nghiệp. Họ thích nghề này vì đây là nghề phục vụ nên thường lấy tiền mặt và dễ trốn thuế. Dân trí thức còn nói tiếng Anh giỏi, bởi vậy, khách rất thích họ.

 

Trong những nghề nghiệp cần phải tiếp xúc với khách hàng thì nghề nail là một trong những nghề dễ tạo cho mối quan hệ khách - thợ trở nên gần gũi, thân mật. Chỉ có nghề nail, nhân viên mới có cả nửa tiếng đến một tiếng đồng hồ ngồi xuống đối diện với mỗi khách hàng trong tư thế thoải mái, mặt đối mặt, cách nhau chỉ vài gang tay để vừa làm vừa tán chuyện. Có nhiều chuyện để tán: chuyện riêng tư cá nhân hay gia đình đến chuyện shopping, công việc làm ăn ở văn phòng…. Cũng có người Tây cảm thấy cô đơn nên cần có người quen để tâm sự. Có người đem chuyện bực mình ra kể để xả stress. Nói chung, khi đã quen, đã có cảm tình thì người Tây rất thích kể chuyện này chuyện nọ với bạn nếu bạn gợi ý hay tỏ ra thích thú lắng nghe.

 

Khách làm nail cũng đa dạng như khách làm tóc, tức thuộc đủ mọi thành phần trong xã hội và già trẻ, giàu nghèo đủ cả. Họ có thể là dược sĩ, cầu thủ, bà triệu phú, con gái thị trưởng, thư ký toà Nhà trắng, cảnh sát nữ, bà chủ xí nghiệp, ca sĩ địa phương, kể cả những người đang nhận tiền trợ cấp của chính phủ, bà già sắp xuống lỗ hay em gái học sinh cấp hai, cấp ba. Vì vậy, chuyên gia nail thân thiện, biết gợi chuyện, thích tò mò là những người biết đủ thứ chuyện, nhất là chuyện đời tư của đàn bà.

Nghề nail thú vị đối với người nói được tiếng Anh. Đối với người dở tiếng Anh nếu không làm nail thì làm gì? Đi xin việc ở nhà hàng Tây, Tàu, Mễ, Ý…. thì không ai mướn vì tiếng Anh tệ. Đi làm nhà hàng Việt thì lười biếng, nói không nghe hoặc sợ bị mấy ông bà chủ người đồng hương bóc lột. Vả lại, người Việt ít đi làm nhà hàng vì ngại gặp người quen. Bởi vậy, chủ Việt thích mướn dân Mễ (ở Mỹ) hay chỉ dùng người trong gia đình. Đi làm hàng thì hơi vất vả mà lương thường không nhiều.

Vậy, nghề nail đã giúp giải quyết công ăn việc làm cho nhiều người Việt. Công việc không cực nhọc, tha hồ nói tiếng Việt với người đồng hương, tiền “tươi” vào nhiều. Có tiền, dân nail xài xả láng, tha hồ mua sắm, không cần biết đến ngày hôm sau. Ngày xưa, thợ nail thường mua xe xịn để khoe với nhau; mỗi tuần được nghỉ một ngày, họ thường mò đến các casino để gởi bớt tiền, nhờ casino giữ giùm mà không cần lấy biên nhận.

Dăm ba năm trở lại đây, dân Tây càng nghèo nhưng tiệm nail càng mọc ra nhiều và giá nail bị rớt liên tục. Kết quả: tiền không còn dễ kiếm. Tuy nhiên, tại nhiều tiệm, anh em có trò chơi mới: lúc tiệm không có hay ế khách, anh em mở DVD coi phim thoải mái: Hàn, Đài, Thuý Nga…. Riết rồi thành thói quen và có khi cho khách nghe, xem luôn. Cũng có tiệm chọn môn “sát phạt” làm thú tiêu khiển. Vừa chơi vừa làm vui thật! Chơi, ai mà không ham? Chơi hấp dẫn hơn làm và dễ bị chơi quá đà. Bởi vậy, đang làm cho khách mà đầu óc để ở…. cái màn hình. Lúc chơi bài với nhau thì la ó vui lắm nhưng khi có khách vào là dở trò giành giựt. Tiệm càng ế thì mức độ giành giựt, kết bè phái càng khiếp.

 

Ngày xưa, thợ nail mới ra nghề thì ráng học hỏi cách phục vụ của Tây, ráng chiều khách, lo sợ bị Tây chê là mình không có văn hoá, lạc hậu. Nhưng một khi nắm bắt tâm lý dễ chịu của khách Tây thì nhiều thợ lơ đễnh với cung cách phục vụ chuyên nghiệp. Nhiều khi còn tỏ ra bất cần, không còn nể sợ khách như lúc mới vào nghề. Ngoài ra, trong một đám đông người Việt thường có người muốn phá lệ, muốn xoá bỏ mọi ràng buộc của kỷ cương và của tiêu chuẩn để làm theo cảm hứng hay theo ý riêng của mình. Có thể ban đầu không ai đồng ý, nhưng trước sau cũng có thêm người gia nhập và cuối cùng thì tiêu chuẩn bị xuống cấp. Có được mấy tiệm của người Việt một khi sắp chết thì bỗng nhiên thức tỉnh để cải tổ lại kịp thời?

Chẳng lẽ nghề nail sắp chết? Không có đâu! Ế, hơi ế thôi! Không còn làm ra nhiều tiền bằng hồi năm, bảy năm trước, nhưng vẫn khoẻ hơn và còn kiếm được tiền không thua gì đi cày ở factory hay làm nhiều nghề khác. Để sống còn, đa số tiệm gia tăng thêm dịch vụ phụ như: tanning, đấm bóp, nhổ lông mọi chỗ trên cơ thể (kể cả Brasilian wax), xe lông mày theo kiểu Việt, làm mặt, tắm bùn, Jacuzzi, spa….

Thời nay, con người thích tự kinh doanh, vì vậy mà tiệm quán mỗi ngày càng được mở ra. Tuy nhiên, cách làm ăn của người Việt không giống ai. Khi chỉ có một tiệm nail người Việt thì giá cả bằng với giá của tiệm Tây. Thêm một tiệm Việt nữa, hạ giá xuống 20%, ba tiệm 30% và càng có nhiều người Việt nhào vào nghề thì giá càng trở nên “bèo” hơn. Ví dụ: ở Nam Cali giá một bộ móng là 45 USD vào năm 1985; xuống 35 vào đầu thập niên 90; còn 25 vào giữa thập niên 90. Năm 2000 chỉ còn 15-20 USD. Tương tự, năm 94-95 Toronto mới có tiệm nên giá là 40 USD và năm 2000 xuống còn 20 USD. Giảm sơ để ai cũng có thể có móng tay giả được là việc tốt. Nhưng giảm hoài nên thợ nail ngồi 11-12 tiếng/ngày với tiền thu được có khi còn tệ hơn được trả “lương giờ tối thiểu”.

Một việc làm không giống ai khác của người Việt là mở tiệm bừa bãi. Thấy có tiệm nail ở đó rồi nhưng vẫn có người sẵn sàng mở thêm một tiệm nằm kế bên hay cùng một dãy phố hay trong cùng một khu thương xá. Chỉ có người Việt mới làm vậy, chứ dân di trú khác, họ không dám. Làm vậy, hộ sẽ bị mang tiếng trong cộng đồng, mặt mũi nào để nhìn mặt người đồng hương. Ngoài ra, tiệm người ta đã có lâu năm, đã hốt hết khách trong khu vực thì tại sao mình không tìm khu phố chưa có tiệm để mở? Bạn có cái thắc mắc ngây thơ này không? Câu trả lời là: Nhiều người Việt xấu xí có thói quen tranh ăn bất chính và sẵn sàng đánh phá người Việt khác. Đương nhiên là họ có chiêu độc.

Cái chiêu vừa dơ, vừa độc, vừa phản bội đồng bào là chiêu “giảm giá”. Người Việt yếu bóng vía – thấy người ta giảm mình cũng run nên bắt chước giảm để giữ chân khách. Dĩ nhiên, giảm giá thì chất lượng phải giảm. Chất lượng giảm thì sự hài lòng của khách cũng giảm. Rất tiếc, có quá nhiều người Việt mở tiệm nhưng không thật sự có tinh thần kinh doanh và không có đầu óc cầu tiến.

Quảng cáo của các nail supply store và quảng cáo cần thợ nail đầy dẫy trên các tờ báo giấy của người Việt, nhưng hiếm thấy bài vở về nail: chia sẻ kinh nghiệm, cách bảo vệ sức khoẻ, cách phân chia công việc cho thợ, cách tránh những cạm bẫy trong hợp đồng thuê tiệm, cách cư xử với khách, với chủ đất. Nhiều người trí thức Việt vẫn chưa cảm thấy thoải mái để bàn chuyện về nghề nail với người Việt và thường né tránh khi những người bạn khác chủng tộc nói về nail.

Có thể nói, người Việt chưa có văn hoá đoàn kết trong kinh doanh hay chưa có văn hoá kinh doanh: kết hợp và bảo vệ quyền lợi làm ăn cho nhau. Bởi vậy, ta đã không tận dụng tốt cái may mắn của ta và đó cũng là một trong những lý do tại sao thợ nail người Việt chỉ phục vụ tầng lớp trung lưu và bình dân chứ không vươn được tới một tầm cao hơn nữa….

 

( Nguồn: Tinmoi.vn)

Last modified on Friday, 19 May 2017 10:36
Đánh giá bài viết
(0 bình chọn)
Lượt đọc 9491 lượt

:

MongDep about us

Móng đẹp! Là chuyên trang tạp chí hàng đầu tại Việt Nam, tổng hợp các thông tin phong phú và mới nhất về Nail, giúp bạn cập nhật kiến thức, công nghệ, phong cách và những thông tin hữu ích nhất mỗi ngày!

Để chia sẻ kiến thức cho mọi người. Vui lòng gửi bài viết hữu ích mà bạn biết cho chúng tôi theo địa chỉ This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

Mongdep on facebook

 

Photos gallery

showshowshowshowshowshowshowshowshowshowshowshowshowshowshowshowshowshowshowshow